#ProductJourney là chuỗi bài viết mình dành để giới thiệu và khám phá những sản phẩm mà mình thấy thú vị. Những sản phẩm này có thể thu hút từ nhiều khía cạnh khác nhau, từ tính năng, công nghệ cho đến cách chúng được xây dựng. Hy vọng qua mỗi bài viết, bạn sẽ tìm thấy những công cụ hữu ích để áp dụng vào công việc của mình.
Giới thiệu
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua những khúc cua bất ngờ trong công việc. Với mình, khúc cua ấy mang tên Print on Demand (POD). Ban đầu, mình không nghĩ sẽ làm việc với các sản phẩm POD, nhưng rồi công việc đưa đẩy, và team của mình lại trở thành team phụ trách các sản phẩm này.
Trong quá trình nghiên cứu, mình được một đồng nghiệp giới thiệu về MockCity. Dù không sử dụng công cụ này cho sản phẩm của mình, nhưng mình thấy nó khá thú vị nên quyết định viết về nó trong số đầu tiên của chuỗi bài viết này.
MockCity không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là một giải pháp sáng tạo dành cho những ai đang làm việc trong ngành POD. Hãy cùng mình khám phá cách công cụ này hoạt động, công nghệ đứng sau nó, và lý do vì sao mình chọn viết về nó nhé! Qua đó, bạn có thể khám phá thêm những công cụ thú vị và áp dụng chúng vào công việc của mình một cách hiệu quả hơn.
Photopea
Trước khi đi sâu vào MockCity, chúng ta cần hiểu về Photopea – công cụ quan trọng hỗ trợ MockCity. Nếu bạn đã từng nghe đến hoặc sử dụng Photoshop, thì Photopea có thể được xem như một phiên bản miễn phí chạy trực tiếp trên trình duyệt, nhưng vẫn cung cấp nhiều tính năng tương tự.
Photopea là một công cụ chỉnh sửa ảnh trực tuyến, đơn giản và hiệu quả. Bạn không cần phải cài đặt, chỉ cần mở trình duyệt là có thể bắt đầu làm việc với nó ngay. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian và tài nguyên máy tính, đặc biệt là trong những công việc yêu cầu chỉnh sửa nhanh gọn.
Mock City
MockCity là một công cụ chuyên dụng trong lĩnh vực POD. Khi nghe từ "mock," bạn có thể hình dung ngay việc tạo ra các hình ảnh mẫu, hay còn gọi là mockup. Trong ngành POD, mockup đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp khách hàng hình dung rõ ràng về diện mạo của sản phẩm khi được in ra thực tế.
Artwork là những thiết kế hoặc hình ảnh do bạn tạo ra hoặc sở hữu, như logo, hình ảnh, hoặc bất kỳ thiết kế đồ họa nào bạn muốn in lên sản phẩm. Bạn tải lên artwork của mình, và MockCity sẽ sử dụng nó để render ra hình ảnh mô phỏng trên mockup.
MockCity hoạt động rất đơn giản: bạn chọn hoặc tải lên một mẫu mockup, sau đó tải lên artwork của mình. Công cụ sẽ tự động render hình ảnh sản phẩm hoàn chỉnh với thiết kế của bạn. Toàn bộ quá trình này diễn ra trên nền tảng Photopea.
Sản phẩm
Trong khi Photopea là một công cụ đa năng với nhiều tính năng chỉnh sửa hình ảnh, MockCity tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất: render hình ảnh từ mockup và artwork. Chính sự đơn giản và tập trung này là điểm mạnh nổi bật của sản phẩm.
Quy trình làm việc với MockCity chỉ gói gọn trong vài bước:
Chọn hoặc tải lên mockup → Tải lên artwork → Render → Tải xuống.
Công nghệ
Từ các từ khóa "người khổng lồ" và "Photopea" đã đề cập ở trên, bạn có thể đoán được công nghệ họ sử dụng ở đây không?
Điều đáng ngạc nhiên là MockCity chỉ sử dụng iframe để nhúng Photopea vào sản phẩm của mình. Khi bạn chọn mockup, tải lên artwork và yêu cầu render, sản phẩm sẽ giao tiếp với Photopea thông qua Post Message. Sau khi quá trình render hoàn tất, Photopea cũng sẽ trả kết quả về thông qua cùng một cơ chế Post Message.
Nếu bạn chưa biết về Post Message thì hãy tưởng tượng Post Message như một tin nhắn gửi đi giữa hai trang web khác nhau. Khi bạn thực hiện một thao tác trên MockCity, một tin nhắn sẽ được gửi đến Photopea để yêu cầu xử lý hình ảnh. Sau khi hoàn thành, Photopea sẽ gửi lại kết quả về MockCity.
Toàn bộ quá trình xử lý diễn ra ở phía client, không tiêu tốn tài nguyên server. Điều này đồng nghĩa với việc nếu không có gói Pro, sản phẩm chỉ cần HTML, CSS và JavaScript là đủ để vận hành.
Doanh thu
Với một sản phẩm đơn giản, ít chức năng và không tốn nhiều tài nguyên server như MockCity, câu hỏi đặt ra là: "Làm sao để tạo ra doanh thu?" Họ chọn một cách tiếp cận phổ biến: cung cấp dịch vụ cơ bản miễn phí, đồng thời yêu cầu người dùng nâng cấp lên gói Pro để sử dụng các tính năng cao cấp.
Ví dụ, nếu bạn muốn render nhiều công việc cùng lúc hoặc tải xuống tất cả các file nhanh chóng thay vì phải tải từng file riêng lẻ, bạn sẽ cần nâng cấp lên gói Pro.
Ngoài ra, MockCity còn tạo thêm doanh thu từ việc làm tiếp thị liên kết (affiliate). Nếu bạn không thỏa mãn với các mockup miễn phí có sẵn, bạn có thể mua các mockup chất lượng cao thông qua liên kết tiếp thị của họ. Khi bạn mua mockup qua liên kết này, MockCity sẽ nhận được hoa hồng từ giao dịch đó. Đây là một cách khéo léo để tăng thu nhập mà không cần làm phức tạp hóa sản phẩm.
Đánh giá
Ưu điểm:
- Tận dụng tối đa “người khổng lồ” Photopea để tiết kiệm thời gian và công sức xây dựng sản phẩm từ đầu đến cuối.
- Đi vào ngách, tập trung giải quyết duy nhất bài toán render dựa trên mockup và artwork, chỉ cần tải lên là dùng được ngay.
Nhược điểm:
- Phụ thuộc vào “người khổng lồ” thì phải phụ thuộc và tiềm ẩn các rủi ro. Ví dụ như “người khổng lồ” tự phát triển thêm tính năng mới và nuốt chửng mình.
- Sản phẩm dễ bị copy, đặc biệt với những người hay ngó source code như mình.
- Không phục vụ được tệp khách hàng lớn hoặc rất tốn resource server. Lý do là với các merchant bán POD thì số lượng sản phẩm của họ lên tới vài trăm nghìn. Mỗi sản phẩm lại cần mấy trăm hoặc mấy nghìn hình ảnh nữa.
Lời kết
Mình thấy MockCity là một công cụ hữu ích cho những ai làm việc trong ngành POD. Dù còn một số hạn chế, nhưng nếu bạn chỉ cần tạo mockup đơn giản, đây chắc chắn là lựa chọn đáng để thử. Cách tiếp cận tập trung và tinh gọn của MockCity cũng là một cách hay để chúng ta khởi đầu một sản phẩm mới.
Bạn muốn thấy sản phẩm nào trong chuỗi bài viết tiếp theo? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn nhé!